Gặp lại Cựu chiến binh nổ quả bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ

Đăng lúc: 10:11:24 07/05/2021 (GMT+7)

Gặp lại Cựu chiến binh nổ quả bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ

 

               Dù mắt đã mờ, tai đã lãng, nghe câu được câu mất nhưng hễ nhắc đến những kỷ niệm về trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ, ông lại như sống lại những tháng ngày của tuổi hai mươi hào hùng. Tất cả đều nguyên vẹn, dữ dội và hào hùng như ý chí đồng lòng của cả một dân tộc…Đó là câu chuyện cựu chiến binh Hoàng Minh Châu, người đảm nhiệm nổ quả bộc phá đầu tiên mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

9629e95e952a6074393b.jpg

         Chúng tôi tìm về xã Hoằng Lương (nay là xã Hoằng Sơn) huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chỉ cần hỏi ông Châu, cựu chiến binh thì từ già lẫn trẻ đều nhiệt tình chỉ đường. Đến nhà, chỉ có vợ ông, cô con gái và cháu ngoại ở nhà. Ông Châu còn đang bận đi họp hội cựu chiến binh ở Ủy ban nhân dân xã. Đợi một lúc thì ông Châu về. Ông Châu năm nay cũng 85 tuổi, bệnh tuổi già nhiều nhưng có ai hỏi, ông tự tin mình vẫn còn minh mẫn lắm.

          Sinh ra ở miền quê nghèo, sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ, lên 9 tuổi, hai anh em ông đã phải tự nương tựa vào nhau, sống như cây ngô, cây khoai trên đất bãi quê nhà, đi làm thuê làm mướn mà sống. Thiếu ăn, làm nhiều nên dù đã vào tuổi thanh niên ông vẫn bị xếp vào hàng nhỏ con, không đủ tiêu chuẩn để đi bộ đội. Cho nên, dăm lần bảy lượt viết đơn tình nguyện vào chiến trường, ông vẫn bị từ chối. Mãi về sau, nhờ những nỗ lực kiên trì công với việc vận động hành lang, Ban tuyển quân ở địa phương cũng đành phải đầu hàng mà chấp nhận.

          Năm 1951, sau ba tháng huấn luyện tại Nghệ An, ông được bổ sung vào Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đóng quân tại Phú Thọ. Những năm 1951 đến 1953, đơn vị ông được cử tham gia chiến đấu nhiều trận tại các chiến dịch ở Hòa Bình, Phú Thọ, Tây Bắc, Thượng Lào triệt hạ nhiều đồn trọng điểm của địch.

          Sau chến dịch Tây Bắc kết thúc, đơn vị ông Châu lại quay trở lại Phú Thọ để tiếp tục huấn luyện chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên Phủ mất nhiều ngày trời. Lúc này phân bổ của địch ở Điện Biên Phủ còn khá mỏng, chỉ có 11 tiểu đoàn, quân ta xác định làm một trận đánh lớn, nhanh gọn, chớp nhoáng, bất ngờ để giải phóng hoàn toàn  Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, địch sớm phát hiện sự có mặt của hai Đại đoàn 312 và 308 của ta liền tập trung bổ sung thêm quân, quyết tâm biến Điện Biên Phủ trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm ở Đông Dương.

a0b545c539b1ccef95a0.jpg

          Trước sự dương dương tự đắc của địch về Điện Biên Phủ, quân ta xác định phải thay đổi kế hoạch, chuyển sang đánh lâu dài. Bộ đội bắt đầu đào hầm và các chiến hào đến sát hàng rào của địch nhưng dù cố gắng lắm bộ đội cũng chỉ đào đến được cách 30m do đạn pháo bên trong bắn ra dữ dội. Cứ đêm đến bộ đội ta lại đào, ban ngày quân địch lại đem tăng ra lấp. Thời điểm mở màn chiến dịch thì lại càng gần.

efac7ad006a4f3faaab5.jpg

          Ông Châu cùng một đồng chí nữa đi khảo sát trận địa và lựa chọn địa điểm để đánh quả bộc phá đầu tiên. Hàng rào của địch dài hơn trăm mét, được bố trí vô cùng vững chắc gồm 3 lớp, lớp bên ngoài là hàng rào thép gai dày đặc, tiếp đó là một lớp bùng nhùng, rồi đến một hàng rào mũi lợn. Ngay sát chân hàng rào là các lô côt địch. Với sự bố trí cẩn thận như vậy của địch, ta phải cân nhắc tính toán sao có thể đánh thắng, đánh trúng để bộc phá có thể nổ,phá được hàng rào. Ông Châu lúc này là Tiểu đội trưởng về nguyên tắc không phải trực tiếp chiến đấu đầu tiên nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ông thấy nhiệm vụ nổ quả bộc phá đầu tiên quá nguy hiểm. Nhìn anh em trog đơn vị, ai cũng có gia đình, cha mẹ, vợ con ở quê hương, mỗi mình ông không bị vướng bận gì, tặc lưỡi nghĩ mình có chết cũng không ảnh hưởng đến ai, ông quyết định nhận nhiệm vụ này. Tuy đã quyết định như vậy nhưng suốt đêm và cho tới tận sáng hôm sau, ông Châu luôn trong tâm trạng lo lắng. Bởi lẽ, nổ bộc phá không đơn giản chỉ là kéo chốt và ném. Quả bộc phá có kíp nổ dây nối và nụ xòe, nếu kéo không thẳng thì đứt dây, bộc phá sẽ không nổ được. Nếu quả bộc phá đầu tiên không nổ giòn giã thì…, trong đầu ông cứ lẩm nhẫm hoài câu hỏi này.

          Bước sang ngày hôm sau, đến 16h30 thì có lệnh xuất kích, tới giờ G – 15h sẽ phát hỏa. Đơn vị ông Châu lao lên tiếp cận hàng rào, đặt bộc phá, giật nụ xòe và rút xuống vị trí ẩn nấp hồi hộp chờ đợi. Một tiếng nổ vang lên làm rung chuyển, một đoạn hàng rào dây thép gai tung lên. Tiếng bộc phá của ta phát hỏa xong cũng là lúc đạn pháo của địch bên trong các lô cốt bắn ra như xối xả. Ông Châu quay xuống và một chiến sỹ trong tiểu đội lao lên đánh tiếp quả bộc phá thức hai. Tuy nhiên, chưa lên đến mục tiêu thì đồng chí này bị thương, không thể đánh tiếp được. Trước tình hình đó, ông Châu giật ngay quả bộc phá từ tay đồng đội và lao lên đánh tiếp, lùi xuống chờ đợi và lại một tiếng nổ đanh giòn vang lên, phá tung một đoạn hàng rào khoảng 5m. Ông nghe thấy tiếng xung phong của các đồng chí trong đơn vị nhưng cũng chính lúc đó, một mảnh đạn pháo của địch bay tới khiến ông bị thương ở phần hông. Ngay sau đó, ông được đồng đội đưa về tuyến sau cấp cứu.

0705da74a600535e0a11.jpg

          Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông Châu được tặng thưởng huân chương chiến sỹ hạng nhất (nay là huân chương chiến công), được đi dự liên hoan mừng công Sư đoàn 312 và được bầu là Chiến sỹ thi đua của Sư đoàn. Đơn vị chuyển về Bắc Ninh đóng quân, ông bị ốm và phải nằm viện. Ra viện theo yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giới tuyến nên ông được chuyển sang công an vũ trang, công tác tại đồn công an vĩ tuyến 17. Đến những năm này, ông mới học văn hóa đến lớp 4 và được thuyên chuyển tới nhiều đơn vị công an vũ trang khác nhau.

03d318a064d4918ac8c5.jpg

          Chuyện chiến đấu dữ dội bao nhiêu thì trong đời riêng của ông Châu lại lận đận bấy nhiêu. Sau khi đánh trận Điện Biên Phủ trở về, ông kết hôn với người bạn thủa thiếu thời một thời gian thì được lệnh đi Nam. Bà ở nhà tham gia công tác đoàn thể rồi được cử đi học trung cấp điện lực ở Thái Nguyên. Trong một trận lũ lớn cả lớp học của bà bị lũ cuốn trôi mất. Đang trong Nam, nhận được tin dữ, ông đau đớn lắm những cũng không về được vì tình hình chiến sự không cho phép. Sau chiến tranh, trở về quê hương, ông định ở vậy nhưng rồi nhờ sự vun vén của bà con hàng xóm, ông đi bước nữa với một cô giáo làng. Bà thương ông góa vợ, lại có tuổi, bộ đội cụ Hồ chân chất, chẳng có gì ngoài tốt tính. Hai vợ chồng có với nhau một mụn con gái thì bà bị u dạ con, không thể có con được nữa. Hai ông bà chắt bóp, làm lụng nuôi con cho tới ngày khôn lớn rồi xây dựng gia đình cho con. Đến giờ trong căn nhà nhỏ của ông bà ngày ngày cũng đã ấm cúng lên bởi tiếng cười của trẻ nhỏ. Với ông, cô cháu ngoại năm nay mới lên 3, lên 4 nhưng rất thích nghe chuyện chiến trường, thích ngồi cùng bộ đội Điện Biên đã là niềm hạnh phúc lớn nhất lúc tuổi già.
                                  Nhà báo Đỗ Huệ - Báo Đời sống và pháp luật.

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
513732

Ý kiến thăm dò

Bạn đánh giá giao diện của cổng thông tin điện tử thế nào?